Xin tự giới thiệu, Tôi là LS. Vũ Thành Trưng – Trưởng VPLS Cao Minh Luật thuộc Đoàn Luật Sư TP.HCM và đang giảng dạy Luật Doanh Nghiệp tại Khoa luật – Trường Đại Học Bình Dương
Với mong muốn hỗ trợ các bạn trẻ lần đầu khởi sự kinh doanh có kiến thức pháp luật về các loại hình doanh nghiệp để phục vụ cho việc khởi nghiệp, tôi có viết tập sách “Khởi nghiệp an toàn” được nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa xuất bản 5/2021.
GIỚI THIỆU MỞ ĐẦU SÁCH KHỞI NGHIỆP AN TOÀN
(Sách tìm hiểu một số qui định của Luật Doanh Nghiệp 2020, dành cho những người bắt đầu khởi nghiệp)
Khởi nghiệp làm giàu là một mơ ước cháy bỏng của rất nhiều người, để khởi nghiệp kinh doanh mọi người ngay lập tức tìm cách có sản phẩm mới, dịch vụ mới, đó thường được coi là những thứ cần thiết trước tiên. Sau khi cảm thấy đầy đủ tự tin vào ý tưởng mới của mình mọi người hăm hở tiến hành thành lập công ty doanh nghiệp một cách vội vã rồi lao vào kinh doanh mà không quan tâm tìm hiểu cẩn thận xem pháp luật điều chỉnh như thế nào cho việc kinh doanh của mình. Một thời gian, sau khi có công ty, doanh nghiệp rồi thì than thở sao kinh doanh làm ăn khó quá còn gặp đủ thứ thủ tục khó khăn hạn chế, và lâu lâu lại bị các cơ quan quản lý hành chánh như cơ quan thuế thuế, BHXH gửi quyết định phạt vi phạm những lỗi không đáng có. May mắn hơn có bạn kinh doanh tương đối thành công nhưng không biết phải làm sao để phát triển thêm vì phát sinh tranh chấp với những người làm ăn chung, những người trước đây nhờ đứng tên doanh nghiệp dùm…
Lý do của vô vàn các sự cố trên hầu hết bởi vì trước khi khởi sự thành lập doanh nghiệp, các bạn đó đã chủ quan cho rằng muốn kinh doanh chỉ cần ý tưởng mà không chịu lưu ý một số những điều cơ bản của pháp luật doanh nghiệp qui định ràng buộc đối với những người kinh doanh nó quan trọng như thế nào!
Bằng tuổi đời của mình, tôi may mắn trải qua những bước thay đổi lớn của nền kinh tế nước nhà, được sống và hoạt động trong thời kinh tế bao cấp và sau đó là trải nghiệm thực tế của việc thành lập công ty để làm ăn riêng, rồi trở thành một Luật sư về Luật kinh doanh hơn 10 năm.
Trong giai đoạn từ năm 1990 đến 1999 tôi đã nếm trải các qui định nửa vời thiếu rõ ràng của Luật Doanh nghiệp 1990, cách hành xử cứng nhắc của nhân viên cơ quan cấp phép, và rất nhiều điều kiện vô lý được đặt ra thêm sau Luật , ví dụ như thời điểm đó muốn đặt địa chỉ trụ sở công ty bạn phải có nhà riêng có giấy tờ chủ quyền nhà hợp lệ, nếu dùng nhà thuê phải có hợp đồng thuê nhà được công chứng, chứng thực mới được nộp hồ sơ xin thành lập công ty. Đến hôm nay các bạn chỉ cần khai báo một địa chỉ hợp lệ là đã được chấp thuận.
Thời điểm trước năm 2005 Luật Doanh nghiệp chưa cho phép loại hình công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ, rất nhiều người muốn mở công ty phải “dùng” vợ/chồng, con, cha/mẹ, anh/chị, bạn bè đứng tên dùm để đủ số người tham gia theo qui định. Và rồi sau này cũng từ đó có nhiều tranh chấp sảy ra.
Đến hôm nay câu hỏi: Để mở một công ty ở Việt Nam có KHÓ hay không? Xin thưa rằng KHÔNG KHÓ. Tuy nhiên , Hãy lưu ý rằng: Lấy được giấy phép kinh doanh chưa phải là xong, đó mới chỉ là bước đầu tiên nhưng những bước đầu tiên này lại là bước những đi hết sức quan trọng vì nó đã định hình cho cách thức khởi nghiệp của bạn, có thể hình tượng như là chiếc xe lửa đã ra khỏi bến đỗ, có nhiều đường ray khác nhau để lựa chọn về đích, và các bạn đã chọn một đường ray trong số đó. Nếu đường ray này đã được các bạn quyết định một cách hời hợt thiếu cẩn trọng, chắc chắn con tàu sẽ gặp nhiều trắc trở, khó quay chiều, khó đổi hướng và khó về đến đích, điều đó làm lãng phí thời gian tiền bạc của các bạn.
Mặc dù hiện là một giảng viên luật kinh doanh của một trường đại học, nhưng tôi không viết cuốn sách này như một giáo trình cho sinh viên của mình, mong muốn của tôi là cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản nhất của của Luật Doanh nghiệp 2020 cho những người lần đầu tiên bước vào kinh doanh, sau khi trải qua những trang sách các bạn sẽ biết chọn cho mình loại hình doanh nghiệp phù hợp để bắt đầu kinh doanh, các bạn tự tin hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình khi hùn hạp làm ăn với các đối tác, và quan trọng hơn các bạn có thể tránh được rủi ro pháp lý ở những bước đi chập chững trên con đường khởi nghiệp, giúp các bạn khởi nghiệp một cách an toàn, thuận lợi.
Để kết lại phần này , tôi xin phép trích bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 16.10.2016 tại lễ phát động Chương trình ‘Thanh niên khởi nghiệp’ giai đoạn 2016 – 2021.
Bài đăng trên báo Thanh niên tại địa chỉ web: https://thanhnien.vn/thoi-su/thu tuong-nguyen-xuan-phuc-thanh-nien-hay-tham-gia-vao-cong-dong-khoi nghiep-755674.html
“Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm là phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, có cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Phải tạo cho thế hệ trẻ những cơ hội, những điều kiện thuận lợi để cống hiến, để phát huy hết khả năng của mình.
Thế hệ trẻ của Việt Nam hiện nay có rất nhiều tiềm năng, cơ hội và lợi thế so với những thế hệ đi trước. Toàn cầu hóa và internet đã tạo ra sự khác biệt, đã xóa bỏ khoảng cách địa lý và ranh giới quốc gia, tạo ra những cơ hội bình đẳng trong tiếp thu và học hỏi những tiến bộ của nhân loại. Thanh niên Việt Nam ngày nay được đào tạo bài bản, có cơ hội tiếp xúc với những phương thức giáo dục tân tiến khác nhau, tận dụng được công nghệ thông tin, tiếp thu được những cái mới nhất, cái hay nhất của thế giới, vì thế đang có những lựa chọn và cơ hội rất tốt cho khởi nghiệp.
Khởi nghiệp kinh doanh là việc mà những người sáng tạo, ham học hỏi và đầy khát vọng chọn để làm. Khởi nghiệp không nhất thiết bắt nguồn từ mong muốn làm chủ, tìm kiếm lợi nhuận cao. Những doanh nhân thành đạt nhất của Việt Nam hay thế giới đều coi lợi nhuận là công cụ để thực hiện ý tưởng của mình, chứ không phải mục đích hay thước đo của sự thành công.
Khởi nghiệp không nhất thiết là bắt đầu ngay với những điều lớn lao, mà nhiều khi là từ những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật. Điều gì khiến chúng ta mong muốn nhất, trăn trở nhất sẽ khuyến khích chúng ta tìm tòi, sáng tạo mãnh liệt nhất. Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên vô bờ của thanh niên Việt Nam. Tinh thần khởi nghiệp không chỉ cần có ở những người trẻ tuổi, ngay cả khi đã là một doanh nhân thành đạt thì vẫn cần có tinh thần khởi nghiệp để tiếp tục sáng tạo và tạo ra những công ty mới, những của cải mới cho xã hội.
Môi trường và cơ hội khởi nghiệp hiện nay ở nước ta rất thuận lợi để ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ nảy mầm, lớn mạnh. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam mặc dù còn non trẻ, nhưng hiện nay đã đứng thứ 3 trong ASEAN, và sẽ còn mạnh hơn nữa. Thị trường trong nước của Việt Nam đủ lớn và tăng trưởng nhanh để những sản phẩm của người khởi nghiệp có thể tiêu thụ được. Chúng ta đang có một nền kinh tế đa dạng và đầy đủ nguồn lực để giúp các bạn thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình, dù đó là vốn đầu tư, công nghệ hỗ trợ, nguyên liệu hay các yếu tố để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp…
Chính phủ đã chọn năm 2016 là năm Quốc gia khởi nghiệp và đang triển khai những chính sách lớn nhằm hỗ trợ tối đa cho khởi nghiệp. Coi khởi nghiệp là đột phá để thực hiện 3 đột phá chiến lược. Coi kết quả các chương trình khởi nghiệp là thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo…
Với các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, đây chính là quãng thời gian quan trọng nhất để suy nghĩ, lên ý tưởng và thử nghiệm. Đây là giai đoạn tốt nhất để chuẩn bị cho mình đầy đủ nhất về kiến thức và kỹ năng, cũng như bản lĩnh và tinh thần để khởi nghiệp…”
Các bạn thấy đó, trong bối cảnh đất nước vẫn đang trên đà phát triển, chủ trương của nhà nước là dân giàu nước nước mạnh, đang khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của mọi người, mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là lớp thanh niên trẻ có tri thức có khát vọng vươn lên. Hãy chuẩn bị cho mình đầy đủ nhất về kiến thức và kỹ năng để khởi nghiệp… Chúc các bạn thành công!