Mới đây, “Harvest Day – Lễ tổng kết chương trình Bệ phóng hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội – SIB Innovation Champion Launchpad” đã diễn ra thành công tại thành phố Huế, dưới sự chỉ đạo tổ chức của Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS).

Trải qua 2 hợp phần đã tổ chức rất thành công trước đó Đào tạo tập trung – Bootcamp và Thực hành và đào tạo chuyên sâu – Coaching Living lab, Chương trình “SIB Innovation Champion Launchpad” đã đi đến giai đoạn cuối cùng: Tổng kết – Harvest Day. Đây cũng là dịp để chương trình vinh danh 60 Champion từ 3 miền đã có thành tích nổi bật trong thời gian qua với sự tham gia của ông Patrick Haverman Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam và các chuyên gia, tư vấn trong ngành.

Chính thức khởi động vào tháng 8 năm 2022, “là chương trình nâng cao năng lực thúc đẩy kinh doanh tạo tác động xã hội dành cho các chuyên gia và cố vấn, thuộc dự án ISEE-COVID được triển khai bởi Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU – Trường Đại học Ngoại thương (FIIS). Chương trình được xây dựng nhằm nâng cao năng lực cho các chuyên gia, cố vấn để hỗ trợ tốt hơn cho SIB đồng thời nâng cao chất lượng của các tổ chức trung gian (BDS) trong hệ sinh thái SIB, đồng thời thúc đẩy hệ sinh thái SIB tại Việt Nam thông qua tăng số lượng và chất lượng của các tổ chức trung gian.
Kết thúc khóa đào tạo kéo dài hơn 3 tháng được triển khai bằng nhiều phương pháp khác nhau, nổi bật là phương pháp: Đồng sáng tạo (Co-creation), Học tập qua trải nghiệm (Experiential learning) và Thực hành và cố vấn, tư vấn 1-1: Với 3 giá trị Inspiring – Illuminating – Incorporation (Truyền cảm hứng – Khai sáng – hợp tác), 60 Champions đã được trau dồi lý thuyết cũng như kiến thức thực tế và bổ sung nâng cao năng lực, kỹ năng huấn luyện cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Chương trình kết thúc cũng là lúc cơ hội mở ra đối với các doanh nghiệp, vận dụng mọi sự sáng tạo, tư duy đổi mới để thúc đẩy thêm sự phát triển của hệ sinh thái SIB nói riêng và nền kinh tế các địa phương nói chung.

Chia sẻ về tầm quan trọng của các doanh nghiệp tác động xã hội, PGS.TS Phạm Thu Hương – Phó hiệu trường trường Đại học Ngoại thương cho biết: “Kinh doanh tạo tác động xã hội là hình thức kinh doanh mà ở đó, hoạt động thương mại và cam kết tạo tác động tích cực lên xã hội là hai nguyên lý trung tâm của chiến lược vận hành tổ chức. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng, cân bằng giữa mục tiêu lợi nhuận, đem lại hạnh phúc cho con người sẽ hướng tổ chức đạt mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, kinh doanh tạo tác động xã hội hướng tới nhóm yếu thế, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ làm chủ và những người có thu nhập thấp… ngày càng được đặt biệt quan tâm và nỗ lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn.”

Với vị thế và trách nhiệm của một trường đại học hàng đầu Việt Nam về đào tạo, sáng tạo và chuyển giao tri thức, trong những năm qua, các hoạt động đổi mới sáng tạo của Nhà trường đã phát triển mạnh mẽ, có tác động sâu rộng tới nhận thức và tâm thế của giới trẻ, đặc biệt thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo xã hội và hợp tác để tạo ra những giải pháp có giá trị hướng tới sự phát triển bền vững của cộng đồng, bà Phạm Thu Hương chia sẻ.

Xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh tạo tác động xã hội toàn diện và vững mạnh chưa bao giờ là điều dễ dàng, vì thế sự xuất hiện của những chương trình như “Bệ phóng hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội – SIB Innovation Champion Launchpad” chính là điểm tựa vững chắc cho các doanh nghiệp SIB, giúp họ có thể vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình và đem đến, lan tỏa những giá trị tích cực cho xã hội. SIB Innovation Champion Launchpad năm 2022 đã khép lại, song hành trình đồng hành cùng các doanh nghiệp tác động xã hội sẽ vẫn còn tiếp tục chặng đường lan tỏa giá trị kinh doanh tạo tác động xã hội và kiến tạo một hệ sinh thái SIBs vững mạnh, phát triển.
Ngô Thu Hường