Đối thoại cùng SharkTank

ĐỐI THOẠI CÙNG SHARKTANK

 

 

Chào mọi người!

 

Tôi là Hoàng Thắng, sinh năm 83, cũng đã từng đầu tư vào khá nhiều dự án với vai trò của một nhà đầu tư, còn các dự án nhận được yêu cầu đầu tư thì đến hàng trăm dự án, thuộc rất nhiều lĩnh vực nên muốn chia sẻ đến cộng đồng những kinh nghiệm, vấn đề thực tế. Nội dung được trình bày dưới dạng đối thoại.

 

Viết tắt:

NĐT – Nhà đầu tư (tôi)

NPV – Người phỏng vấn

 

 

NPV: Nhà đầu tư có thể giới thiệu về bản thân không?

NĐT: Về cơ bản thì sinh năm 83, một vợ 2 con, gia đình hạnh phúc, nói chung rất tuyệt vời.

 

NPV: Còn học hành thì sao? Có học trường nào danh tiếng không?

NĐT: Có từng học Đại học Giao thông vận tải, Đại học Quốc gia, nhưng đều bỏ dở do thấy học khá chán, không phù hợp.

 

NPV: Công việc hiện tại của NĐT là gì?

NĐT: Tôi hiện tại đang quản lý 1 quỹ đầu tư nhỏ, Cổng hỗ trợ khởi nghiệp Việt nam, có công ty riêng, và tham gia vào rất nhiều dự án khác, ngoài ra còn làm xe ôm, nấu cơm, đi chợ, rửa bát, nhiều việc linh tinh khác.

 

NPV: Xin chào nhà đầu tư, nhà đầu tư có thể đánh giá như thế nào về tình hình chung của các dự án gọi vốn hiện nay ở Việt Nam?

NĐT: Tôi chủ yếu hoạt động và tham gia vào các dự án nhỏ và vừa, các dự án dạng khởi nghiệp. Theo ý kiến thì đa số các dự án đều có chất lượng khá chán, 100 dự án thì may ra được một vài dự án tốt. Tôi không có ý chê gì cả, nhưng chúng ta nên thật thà, nhìn vào sự thật để tiến bộ hơn.

Tuy nhiên thì đó là sự khởi đầu nhiều ấn tượng, nhất là gia tăng nhanh về số lượng dự án, còn chất lượng thì cần nhiều thời gian thì các dự án sẽ dần tốt hơn.

Dễ hiểu hơn, ví dụ cấp độ chung các dự án ở bên Mỹ là Đại học, thì ở Việt nam vào khoảng cấp 2 gì đấy. Nếu chúng ta chăm chỉ, chịu khó hơn thì sẽ dần bắt kịp.

 

 

NPV: Lĩnh vực nào có tiềm năng đầu tư nhất?

NĐT: Đây là một câu hỏi rất rộng, vì nếu đi sâu thì lĩnh vực nào cũng có tiềm năng, cơ hội cả. Tôi thì chỉ có khả năng nhìn thấy các cơ hội tiềm năng ở các lĩnh vực ưa thích, ví dụ như Công nghệ, Kinh tế số, Nông nghiệp, Du lịch, Bất động sản.

 

NPV: Làm thế nào để nhìn thấy các cơ hội tiềm năng, ví dụ một ý tưởng kinh doanh tốt chẳng hạn?

NĐT: Tôi nhớ có một ai đó nói rằng, bạn cần phải học được cách nhìn thấy cơ hội và quá trình này khá tốn kém, mất thời gian, công sức, và đôi khi cả may mắn nữa. Hiện tại tôi có thể nhìn thấy các cơ hội hàng ngày, vấn đề lại không có khả năng để làm hết. Chẳng bù cho thời sinh viên, tìm kiếm hàng năm trời không thấy được cơ hội nào.

 

 

NPV:  Các giai đoạn thẩm định một dự án là gì?

NĐT: Đây là vấn đề mang tính kỹ thuật, mỗi cá nhân,mỗi tổ chức lại có cách thẩm định khác nhau, các của tôi thì gồm các bước:

  • Nhận hồ sơ dự án qua Email (không nhận trực tiếp): Cần có hồ sơ dạng thuyết trình về dự án theo tiêu chuẩn, nội dung ngắn gọn. (Bạn có thể xin mẫu từ chúng tôi).
  • Thẩm định độc lập: Nếu dự án tiềm năng, chúng tôi sẽ điều tra qua một số kênh để tìm hiểu thêm, thảo luận và đánh giá về dự án.
  • Hẹn gặp chủ dự án: Sẽ có một buổi gặp chủ dự án để nghe trình bày về dự án với các nội dung được chúng tôi yêu cầu chuẩn bị từ trước. Chúng tôi sẽ cố gắng chốt có đầu tư hay không trong buổi này.
  • Chúng tôi lại tiếp tục thảo luận, trao đổi về dự án.
  • Nếu dự án được chấp thuận đầu tư (mới chấp thuận thôi nhé, chưa có hợp đồng, chưa xuống tiền), thì chúng tôi sẽ tự thẩm định dự án (hoặc thuê 1 bên thứ 3) mức độ sâu hơn nữa. Đây là bước quan trọng nhất, mà như bạn thấy trên chương trình SharkTank, nhà đầu tư có thể chấp nhận đầu tư, nhưng sau đó đến bước thẩm định dự án để quyết định đầu tự thật sự.

Bước thẩm định này bạn không thể chém về dự án được nữa, bởi vì việc thẩm định có các tiêu chí đánh giá cụ thể, dựa trên các con số, báo cáo, các vấn đề thực tế, và rất khó quan mặt được các chuyên gia nhiều kinh nghiệm.

 

Chia sẻ một chút, việc thẩm định dự án có khi mất hàng năm trời, có thêm nhiều giai đoanh khác nhau tùy theo dự án, có cả những bí quyết riêng, nhưng quan điểm của chúng tôi thì có vẻ hơn tàn ác, đó là “thà không đầu tư còn hơn đầu tư vào các dự án không chắc chắn”.

 

 

NPV:  Các giai đoạn đầu tư vào một dự án như thế nào?

NĐT: Vấn đề này rất phức tạp, tùy theo từng dự án cụ thể, nhưng có bản thì gồm “ Ký hợp đồng đầu tư – Đầu tư tiền theo các giai đoạn – Giám sát khoản đầu tư – Thu hồi vốn, lợi nhuận”. Nếu bạn muốn hỏi thêm có thể gửi email cho chúng tôi.

 

 

NPV:  Các Startup Việt Nam khi muốn gọi đầu tư cần chuẩn bị gì?

NĐT: Nên cần một bản hồ sơ dự án trước, có rất nhiều mẫu để bạn viết theo, ví dụ như tìm kiếm Google với từ khóa “mẫu dự án kinh doanh” sẽ có đầy. Vấn đề là một số Startup muốn gọi đầu tư nhưng quá lười, đến một bản hồ sơ dự án tử tế cũng không có. Các giai đoạn tiếp theo thì tùy tình hình cụ thể và yêu cầu của mỗi nhà đầu tư khác nhau.

 

 

NPV:Các yếu tố của một dự án thành công là gì?

NĐT: Con người đủ năng lực thực hiện + Dự án khả thi + Tiền đầu tư + May mắn.  Yếu tố may mắn kiểu như mọi người hay nói là “Thiên thời địa lợi nhân hòa” ấy. Chúng tôi nghiệm ra rằng, may mắn là thứ gì đó như một phép màu vậy, khi phép màu đến với bạn, bạn sẽ gặp được người cần gặp, có được tiền đúng lúc, thời cơ cho thực diện dự án đúng thời điểm và bạn có thể chuyển bại thành thắng.

Một số nhà tâm linh nói với chúng tôi rằng, không có gì là ngẫu nhiên cả, mà là sự “sắp xếp” từ thế giới vô hình cho hành trình cuộc đời của bạn, dự án của bạn. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu thêm.

 

NPV: Theo nhà đầu tư, thì  đầu tư vào con người hay đầu tư vào dự án?

NĐT: Tất nhiên là chúng tôi coi trọng con người hơn rồi. Trong một số trường hợp thì dự án cũng quan trọng không kém. Tốt nhất, bạn đưa chúng tôi một dự án cụ thể thì sẽ có sự cân nhắc phù hợp.

 

 

NPV:  Liệu có thể đầu tư vào 1 cơ hội khi nó chỉ mới là ý tưởng hay không?

NĐT: Đây là một câu hỏi thú vị và chúng tôi rất hay gặp, có rất nhiều bạn trẻ gặp chúng tôi và nói “Em có một ý tưởng xyz…., em cần đầu tư một khoản tiền là abc.. để thực hiện!”. OK, tôi rất lắng nghe và quan tâm thông tin về bạn đó nhiều hơn là ý tưởng để xem bạn đó thật sự hiểu về ý tưởng đang nói không.

99,99% câu trả lời sẽ là “không”  đầu tư vào ý tưởng.

Tiện thể nói thêm, ý tưởng thì bây giờ có đầy rẫy, miễn phí trên mạng. Chủ yếu ai biến ý tưởng thành dự án kinh doanh hiệu quả mới khó kiếm.

 

 

 

NPV:  Phong trào khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam, nhà đầu tư đánh giá như thế nào?

NĐT: Ngắn gọn trong từ “Số lượng hơn chất lượng”. Theo tôi nên có cái gọi là “Học viện khởi nghiệp thực tế” để giúp các bạn học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm, nhận được sự hỗ trợ cần thiết trước khi khởi nghiệp. Điều này giúp tăng chất lượng khởi nghiệp.

 

NPV:  Khi xem chương trình SharkTank trên truyền hình, ý kiến của nhà đầu tư như thế nào?

NĐT: Tôi không có nhiều bình luận, vì các bạn đã bình luận quá nhiều rồi.

 

NPV: Môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam như thế nào so với các nước khác?

NĐT: Sự so sánh luôn khập khiễng, vì có thể ở Việt Nam thủ tục pháp lý lằng nhằng, mất thời gian nhưng tôi vẫn thấy có rất nhiều cơ hội, lợi thế khi khởi nghiệp ở Việt Nam. Quan trọng là chúng ta cần nhìn vào, tìm ra các lợi thế trong môi trường này, nó như kiểu bạn ở đâu thì phải thích ứng và tiến hóa trong môi trường đó vậy. Đừng có kêu gào, đổi lỗi tại thế nọ, tại thế kia.

 

NPV: Nhà đầu tư có dùng Facebook hay mạng xã hội nào không?

NĐT: Có dùng nhưng rất ít, một tuần chỉ vào vài lần xem bạn bè. Facebook hiện giờ có quá nhiều thông tin tiêu cực lan truyền như cướp, bắt cóc,tham nhũng, tin sốc, tin giả, … trà lan, gây nên hiệu ứng rất xấu – tôi thường hay gọi là “năng lượng tiêu cực”, khiến bạn lúc nào cũng nhìn vào khoảng tối của cuộc sống, chẳng còn tinh thần trong sáng nữa. Ngoài ra, tôi cũng dùng Zalo.

 

 

NPV: Tôi có ý tưởng về một nền tảng đầu tư dành cho các Startup, nhà đầu tư thấy thế nào?

NĐT: Đã có nhiều dự án kiểu như vậy, ví dụ như Funding.vn, sangoivon, … ở Việt Nam. Nhưng có vẻ như bây giờ vẫn chưa phải là thời điểm phù hợp để có các kết quả tốt.

 

 

NPV:  Là một nhà đầu tư, bạn có đặt lợi nhuận khi đầu tư lên hàng đầu không?

NĐT: Bạn kinh doanh là để kiếm tiền phải không? Chúng tôi cũng vậy.

 

NPV:  Các tiêu chí cơ bản để thẩm định một dự án kinh doanh khi muốn nhận đầu tư là gì?

NĐT: Nếu xét riêng về tiêu chí thẩm định của một dự án, bỏ qua yếu tố con người, chúng tôi sẽ sẽ trên các yếu tố bản như:

  • Mô hình của dự án
  • Điểm khác biệt
  • Chi phí đầu tư cho dự án
  • Lợi nhuận của dự án
  • Điểm hòa vốn
  • Pháp lý
  • Phát minh, sáng chế hay công nghệ độc quyền
  • Cơ hội thành công của dự án
  • Cơ hội để dự án phát triển lên lớn hơn
  • Hoàn cảnh hiện tại của dự án
  • Có các đối thủ hay không

Và khoảng 50 chi tiết thẩm định cụ thể khác, mỗi kiểu dự án từ lĩnh vực, quy mô lại có các quy trình, các tiêu chí thẩm định khác nhau. Đôi lúc, việc thẩm định cũng dựa trên cảm tính khá nhiều.

 

NPV: Nhà đầu tư có thể chia sẻ một số dự án đã đầu tư hay không?

NĐT: Chúng tôi không công khai các thông tin này, vì có quy tắc riêng.

 

 

NPV:  Hiện nay có các trường phái đầu tư nào ? Trường phái của nhà đầu tư hiện tại là gì?

NĐT: Bạn có thể tìm trên Google, sẽ có các trường pháp theo các tiêu chí phân loại khác nhau, như đầu tư ngắn hạn, đầu tư dài hạn, đầu tư kỹ thuật phân tích, đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần, đầu tư chứng khoán, đầu tư ủy thác, đầu tư chéo, vv… vô cùng đa dạng.

Một số nhà đầu tư, quỹ đầu tư còn tự xây dựng cách đầu tư của riêng mình.

Còn chúng tôi đầu tư dựa trên mô hình giá trị, một mô hình rất căn bản và đơn giản, rất phù hợp với hoàn cảnh ở Việt Nam và năng lực của chúng tôi.

 

NPV:  Nhà đầu tư yêu thích nhất các dự án lĩnh vực nào?

NĐT: Ở thời điểm hiện tại, tôi thích nhất các mô hình kinh tế nền tảng, nó đạt được các yêu cầu tốt nhất cho việc đầu tư dựa trên giá trị.

 

NPV:  Nhà đầu tư có thể chia sẻ một vài bí quyết về đầu tư không?

NĐT: Cũng chẳng có bí quyết gì nhiều, đôi lúc đầu tư chỉ là cảm tính mà hay thường gọi là “trái tim mách bảo”. Nghe có vẻ vô lý nhưng đúng là như vậy.

 

 

NPV:  Có yếu tố “may hơn khôn” trong đầu tư không?

NĐT: Như có nói ở phần trước về 4 yếu tố của một dự án, con người, bản dự án, tiền đầu tư và may mắn.

thì với chúng tôi, đầu tiên phải “khôn” trước, sau đó mới dựa vào may mắn. Nhiều bạn nói vui, “trời thương thì cho, trời phạt thì chịu”.

Mà nói thật, bạn đi hỏi 10 doanh nhân của Việt Nam xem khi đầu tư vào một dự án nào đó có xem thầy, xem phong thủy, xem ngày, chọn lễ, vv… không? Đây là những thứ giúp có được “may” đấy.

 

 

NPV:  Có các góc khuất về đầu tư không?

NĐT: Khi nào bạn trở thành một nhà đầu tư, tôi sẽ chia sẻ nhiều hơn.

 

NPV: Nên vay mượn hay tìm nhà đầu tư?

NĐT: Đây là một câu hỏi tôi rất muốn trả lời từ lâu bởi vì có nhiều người đã hỏi tôi câu hỏi này. Bạn hãy nhìn câu hỏi, nó gồm 2 vế chính là 2 lựa chọn khác nhau, như 2 con đường và cùng dẫn đến một đích – một kết quả. Con đường nào cũng có ưu điểm, khó khăn.

 

OK, vậy bây giờ sẽ là sự lựa chọn của bạn sao cho phù hợp nhất với hoàn cảnh của bạn.

Ví dụ: Tìm nhà đầu tư thì luôn có nhiều tiền, sòng phẳng, giấy tờ, hợp đồng rõ ràng nhưng điều kiện đưa ra cho bạn sẽ khó không kém. Còn vay mượn người thân, quen, bạn bè thì hay có yếu tố tình cảm nên dễ dàng hơn, ít giấy tờ hơn, rất phù hợp cho trường hợp bạn kinh doanh nhỏ lẻ. Còn trường hợp vay ngân hàng thì cũng gần như tìm nhà đầu tư để vay tiền.

Theo một nghiên cứu của chúng tôi, phải đến 95%  hiện tại ở Việt Nam là khi làm ăn sẽ đi vay mượn.

Nhưng bạn cần nhớ rằng “có vay thì có trả” nhé! Quá hạn là không xong đâu.

 

 

NPV:  Các kênh tìm nhà đầu tư phổ biến là gì?

NĐT: Bạn cần hiểu được khái kiệm nhà đầu tư là gì?  Đó có thể là bất cứ ai có tiền và đầu tư vào dự án của bạn, ví dụ như bạn bè, người thân, người quen biết hoặc không quen, các công ty, các tổ chức, quỹ đầu tư, ….. rất nhiều đối tượng được gọi là là nhà đầu tư. Nên cũng đừng nghĩ rằng nhà đầu tư là cái gì đó ấn tượng mà quá bình thường là khác.

Kênh tìm nhà đầu tư thì có rất nhiều, bạn có thể tìm qua bạn bè, chạy quảng cáo, lên mạng xã hội, diễn đàn, đến các quỹ đầu tư và bạn cần phải lập một kế hoạch tìm nhà đầu tư, có chuẩn bị kỹ lưỡng.

 

NPV:  Nhà đầu tư có thật sự nhiều tiền không?

NĐT: Khái niệm nhiều tiền thật chung chung, nếu lấy mốc người có tiền mặt 1 tỷ VNĐ là người có nhiều tiền thì tôi chắc chắn không phải là người nhiều tiền, rất nghèo là khác.

Bạn cần biết rằng chuyện tiền bạc rất phức tạp, các nhà đầu tư hay quỹ đầu tư cũng vậy nên chuyện tiền nhiều hay ít không nói lên điều gì nhiều.

 

NPV: Nhà đầu tư đang quản lý cổng hỗ trợ khởi nghiệp, vậy các yêu cầu hỗ trợ phổ biến là gì?

NĐT: Chủ yếu hỏi vay tiền là chính, sau đó là không biết khởi nghiệp như thế nào.

 

NPV: Quan điểm của nhà đầu tư về đạo đức kinh doanh như thế nào?

NĐT: Tôi là người yêu nước, sống theo đạo và tin vào nhân quả nên đạo đức rất quan trọng khi kinh doanh. Điều này giúp mang đến mục tiêu sống có ý nghĩa, các sản phẩm và dịch vụ thật sự tốt, phục vụ cộng đồng xã hội.

Tôi khẳng định là “Nhân quả” là có thật nhé và trong xã hội mà mọi thông tin được lan truyền qua Facebook, điện thoại, báo chí với tốc độ ánh sáng như thế này thì nhân quả càng đến nhanh. Bạn có thấy các gian thương lừa đảo, buôn hàng giả ngay hôm sau đã lên trang nhất báo điện tử không?

Nhưng tôi thấy hiện nay người ta bất chấp thủ đoạn, bằng mọi giá để kiếm tiền quá, họ bảo rằng đạo đức có ăn được không? Có bán lấy tiền được không? – Thật hết biết nói gì.

Kinh doanh thì tiền bạc cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn, lâu dài và bền vững hơn đó là uy tín,thương hiệu cá nhân, nhân phẩm, danh dự, là cảm thấy hạnh phúc khi sống có ý nghĩa.

 

 

NPV:  Một số người thường bỏ cuộc khi nhà đầu tư yêu cầu điều kiện ban đầu, ví dụ có dự án chạy thử nghiệm, nhà đầu tư nghĩ gì về vấn đề này?

NĐT: Vậy thì người đó chưa sẵn sàng để xứng đáng nhận được đầu tư. Kiểu như chưa đủ trình độ để nhận bằng tốt nghiệp ấy.

 

NPV:  Tôi có 100 triệu, tôi muốn đầu tư kinh doanh để có lợi nhuận vài triệu một tháng, nhà đầu tư cho ý kiến?

NĐT: Một câu hỏi mà trở thành một cuộc tranh luận rất gay gắt tôi thấy trên các báo như Vnexpress, Facebook. Có người thì bảo không được đâu, có người bảo còn kiếm chục triệu, có người khuyên chơi chứng khoán, buôn tiền ảo, cho vay lãi, mở tạp hóa, buôn quần áo, buôn hải sản, đi học kinh doanh, vv…

Với tôi sẽ trả lời là Bạn đã có kế hoạch kinh doanh để đầu tư 100 triệu có lãi vài triệu một tháng chưa? Và từ đó tôi sẽ tư vấn để bạn đó tìm các ý tưởng, cơ hội kinh doanh phù hợp với năng lực, kinh nghiệm và hoàn cảnh, từ đó đưa ra kế hoạch kinh doanh phù hợp nhất. Nói chung, đây là một quá trình, không phải trả lời mấy câu là xong.

 

 

NPV:  Liệu có cái gọi là “bản quyền ý tưởng” hay không?

NĐT: Nghe thật hài hước, bạn thử đi đăng ký bản quyền ý tưởng xem có được không.  Mà đằng nào ý tưởng của bạn cũng phải công khai khi kinh doanh, ai cũng biết, có thể copy được, nên chuyện bản quyền ý tưởng hoàn toàn vô lý, vô nghĩa. Mà ý tưởng thì bây giờ có đầy trên Google và miễn phí.

 

Tôi cũng gặp nhiều bạn cứ muốn tôi tư vấn khởi nghiệp nhưng lại nhất định không chịu nói ra ý tưởng, sợ bị lộ, bị sao chép.

 

NPV:  Nếu một Startup có 1 cô gái xinh đẹp làm sáng lập, nhà đầu tư có quan tâm đầu tư hơn không?

NĐT: Tôi sẽ quan tâm đến cô gái ấy nhiều hơn dự án, có thể quên luôn cả dự án!

 

NPV:  Có nhiều bạn kêu rằng môi trường kinh doanh, pháp lý ở Việt Nam không thuận lợi cho khởi nghiệp, ý kiến của nhà đầu tư?

NĐT: Điều này hoàn toàn đúng, nhưng nếu bạn biết cách thì không vấn đề gì.

 

NPV:  Nhà đầu tư có phải biết tất cả mọi thứ như kinh tế, tài chính, quản lý, mô hình kinh doanh, vv….?

NĐT: Hầu như mỗi thứ biết một ít kiểu chung chung. Tuy nhiên, tôi là người thuận tay trái, có trí tưởng tượng, khả năng phân tích và suy luận tổng thể của một dự án rất tốt – điều mà 1 nhà đầu tư cần có.

 

 

NPV: Nếu dự án của tôi đạt rất nhiều giải thưởng, đánh giá từ các chuyên gia thì có tăng cơ hội nhận được đầu tư hay không?

NĐT: Chúng tôi chẳng quan tâm.

 

NPV: Quan điểm nhà đầu tư như thế nào về thất bại?

NĐT: Tôi không thích thất bại, vì khi thất bại sẽ chẳng dễ chịu chút nào, nhất là khi mất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức cho một dự án nào đấy. Nên hiện tại tôi sẽ tính toán rất kỹ, có kế hoạch cụ thể trước khi làm.

 

Tôi thấy nhiều cuốn sách, nhiều diễn giả, bạn trẻ cứ cổ vũ thất bại đi, sau đó đứng dậy làm tiếp. OK nếu như bạn còn sức để đứng dậy, nhưng trong hầu hết trường hợp, chẳng mấy ai còn sức nữa, trừ trường hợp bạn quá nhiều tiền, mất vài lần cũng không sao. Chứ đa số các bạn trẻ khởi nghiệp, đi vay mượn nhiều, cả vay xã hội đen nữa, nghĩ đến cảnh thất bại thôi cũng đủ ốm rồi.

 

Vì thấy, tôi muốn nhấn mạnh là “thất bại trong khả năng chịu đựng”. Và để yên tâm, chắc chắn hơn, hãy chuẩn bị đủ nguồn lực để dự phòng trong trường hợp thất bại ít nhất 3 lần, vì quá tam 3 bận mà.

 

NPV:  Nhà đầu tư nghĩ gì về việc có rất nhiều Startup chém gió, nổ quá mức?

NĐT: Khi các Startup chém gió, nổ quá mức theo tôi là biểu hiện của sự “hoang tưởng”.

Chúng tôi rất dị ứng với các Startup kiểu này. Bạn sẽ thấy rất quen thuộc ở Việt Nam với các thứ như: Chuyên gia hàng đầu,  giải thưởng abc, Người nổi tiếng đánh giá, trở thành số 1 trong lĩnh vực, có hàng triệu người dùng, doanh số hàng trăm tỷ, trở thành 1 alibaba, amazon thứ 2, sản phẩm và dịch vụ tuyệt vời, …..

 

 

NPV:  Tôi thấy rất nhiều bạn bảo rằng họ có dự án kinh doanh cực kỳ tốt nhưng vẫn không thể tìm được nhà đầu tư, tại sao vậy?

NĐT: Có lẽ do dự án của họ không thật sự tốt như họ nghĩ hoặc họ chưa “gặp may” với nhà đầu tư.

 

NPV:  Sự khác nhau giữ “Dự án hoang tưởng” và “Dự án thực tế” là gì?

NĐT: Câu hỏi rất rộng, tôi không trả lời được hết ở đây, nếu bạn có kinh nghiệm thì bạn biết sự khác nhau giữa “hoang tưởng” và “thực tế”, giữa người điên và người bình thường sẽ rất rõ ràng.

 

NPV:  Liệu có thể bỏ đại học để khởi nghiệp không?

NĐT: Tôi cũng bỏ đại học, thấy cũng bình thường. Còn chuyện bỏ đại học để khởi nghiệp hay không lại phục thuộc vào con người bạn có đủ khả năng để khởi nghiệp hay không. Hoặc là bạn đang theo học một ngành không có tương lai.

Bạn không nên lấy các tấm gương bỏ đại học lập công ty triệu đô, kiểu đó thì cũng “triệu người có 1”.

Nếu bạn rất thông minh, có đủ nền tảng mà muốn khởi nghiệp ở các lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh tế mới, thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, …. đang là xu hướng hot thì cũng có thể bỏ đại học được rồi đấy. Vì các trường đại học ở Việt nam không dạy bạn nhiều về những thứ này.

 

 

NPV:  Nhà đầu tư đánh giá như thế nào về cuộc cách mạng 4.0 ở Việt Nam?

NĐT: Việt nam hiện giờ vẫn hỗn tạp rất nhiều kiểu từ thời phong kiến, bao cấp, kinh tế thị trường, liên quan đến cả trình độ và kiến trúc của xã hội, liên quan đến các nền tảng về kinh tế và nhiều thứ khác. Nên có thể nói là Việt Nam có đủ từ 0.4 đến 4.0.

Nên 4.0 nói hay vậy thôi, làm được là cực khó… nên Người Việt Nam nói hơi nhiều về nó và cũng chẳng mấy ai hiểu được thật sự 4.0 là gì.

Vẫn có lĩnh vực có thể nói là “4.0” trong các mô hình kinh doanh mới, nơi mà sử dụng khoa học , công nghệ, con người ngang bằng với thế giới. Ví dụ về dữ liệu lớn, kinh tế chia sẻ, tự động hóa, IOT. Tuy nhiên thì vẫn còn nhiều hạn chế, không thể so sánh với các nước phát triển được.

 

NPV:  Nên đi làm trước lấy kinh nghiệm để khởi nghiệp hay khởi nghiệp luôn?

NĐT: Lấy kinh nghiệm trước khi khởi nghiệp thì giảm rủi ro, còn khởi nghiệp luôn thì chắc chắn rủi ro. Rủi ro ở đây đó là chất lượng các dự án khởi nghiệp không tốt, không hiểu sâu về chuyên môn, kinh nghiệm quản trị, dễ thất bại, mất tiền bạc, thời gian.

Nếu bạn khởi nghiệp ở các lĩnh vực cần có chuyên môn cao ví dụ như xây dựng, sức khỏe, y tế, công nghệ thì bắt buộc phải đi làm để có kinh nghiệm đã. Còn khởi nghiệp theo kiểu mở quán nước, quán cafe, cửa hàng tạp hóa, buôn bán online thì khỏi cần!

 

NPV:  Các trường phái khởi nghiệp hiện nay là gì?

NĐT: Rất khó phân định trường phái khởi nghiệp, vì nó khó giải thích. Tôi thường thấy một vài kiểu như :Khởi nghiệp cho oai với mọi người, khởi nghiệp kiểu liều lĩnh, khởi nghiệp cẩn thận, khởi nghiệp chuyên nghiệp, khởi nghiệp lừa đảo, khởi nghiệp bằng cách dạy người khác khởi nghiệp, khởi nghiệp nhanh, …

 

NPV:  Nhà đầu tư liệu có đức tin hay sứ mệnh cao cả nào đó không?

NĐT: Bạn có tin vào Chúa không?  Nếu bạn tin có Chúa tồn tại tức là đã có đức tin và hiểu về sứ mệnh cao cả được giao cho một con người được sinh ra. Chúa hiểu theo “Bề Trên”, “Đấng Vô Hình”, “Đấng Sáng Tạo” nhé, không hẳn là Chúa của 1 tôn giáo cụ thể.

 

Tôi cũng có đức tin và sứ mệnh của riêng mình, nhưng không nói ra ở đây.

 

NPV:  Nhà đầu tư có “lách luật” hay không?

NĐT: Không thể gọi là lách luật được, với chúng tôi chỉ có ‘đúng/không đúng” luật.

 

NPV:  Các rắc rối hay gặp phải của nhà đầu tư khi đầu tư vào các dự án Startup Việt Nam?

NĐT: Một số rắc rối chủ yếu đến từ sự không thật thà của Startup, sự không thấu hiểu nhau giữa 2 bên, các tình huống nảy sinh ngoài ý muốn, một số trường hợp thì các Startup không chơi đúng luật theo hợp đồng cam kết.

Vì vậy, theo chúng tôi Startup và nhà đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ về nhau trước khi “cưới và sống chung với nhau”. Một cuộc cãi vã, ly dị không dễ chịu chút nào.

 

NPV:  Nhà đầu tư nghĩ gì về tiền bạc?

NĐT: Tiền bạc là 1 chủ đề phức tạp và hấp dẫn, tôi xem tiền bạc là một “thực thể năng lượng” – 1 khái niệm rất mới và khó hiểu với mọi người và chúng tôi luôn muốn có “năng lượng tốt” của tiền bạc, kiểu như “tiền sạch” ấy, tiền sạch giúp bạn “sạch”. Trong khi hiện nay tiền bẩn có rất nhiều và tiền bẩn khiến bạn “bẩn” hơn. Quá trình chuyển đổi từ tiền bẩn sang tiền sạch, gọi là “rửa tiền” là cực kỳ khó khăn, vì tiền là một thực thể năng lượng, có khả năng ghi nhớ thông tin, các hành động của chính nó, vì vậy tiền bẩn sẽ có xu hướng đi vào con đường tạo ra tiền bẩn, kiểu như “xã hội đen thì ưa thích kiếm tiền phi pháp” vậy.

 

NPV:  Tôi không có kinh nghiệm về đầu tư, liệu tôi có thể trở thành nhà đầu tư không?

NĐT: Bạn nên học hỏi nhiều hơn hoặc có thể nhờ người khác đầu tư giùm, ví dụ như Quỹ đầu tư chứng khoán chẳng hạn.

 

NPV:  Nhà đầu tư chủ động tìm kiếm các dự án đầu tư hay đợi các dự án tự tìm đến?

NĐT: Trong hầu hết trường hợp, chúng tôi chủ động tìm đến các dự án. Có một quy luật đó là các dự án tốt, tiềm năng thường “nấp khá kín”, còn các dự án vớ vẩn lại hay khoe khoang.

 

NPV:  Có sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư không?

NĐT: Đầu tư cũng là một nghề, và cạnh tranh là bình thường, điều này giúp ngày càng phát triển, tiến bộ hơn.

 

NPV:  Có các loại nhà đầu tư gì?

NĐT: Có thể kể đến các khái niệm như: Nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư bảo thủ, nhà đầu tư lướt sóng, nhà đầu tư đầu cơ, nhà đầu tư tử tế, cá mập, nhà đầu tư “bẩn”, … có rất nhiều cách phân loại nhà đầu tư theo quy mô, kiểu đầu tư, cấp độ đầu tư, chiến lược đầu tư. Bạn có thể lên Google tìm hiểu thêm.

 

 

 

NPV:  Nhà đầu tư đánh giá như thế nào về các dự án liên tục gọi đầu tư qua nhiều vòng, ví dụ như Tiki chẳng hạn?

NĐT: Bạn có biết quá trình sử dụng tên lửa đển đưa vệ tinh lên vũ trụ không? Nó cần rất nhiều nhiên liệu, có các tầng tên lửa để tiếp năng lượng, giống như cần rất nhiều tiền, vòng gọi vốn (tầng nhiên liệu) để bay lên một vị trí trong quỹ đạo và hoạt động. Tiki cũng gần như thế.

 

 

NPV:  Tiền bạc có thật sự quan trọng với các Startup?

NĐT: Đây lại là 1 chủ đề rộng và gây nhiều sự tranh cãi, có nhiều quan điểm khác nhau tùy theo góc nhìn. Ví dụ, người làm Startup hay nghĩ đến cần tiền để làm đầu tiên, như câu nói cửa miệng là “tôi cần tiền để khởi nghiệp” vậy. Nhà đầu tư thì lại nghĩ khác, tiền chỉ là điều kiện cần và đủ cho Startup, khi đã  có con người, dự án và thời cơ đã đến.

 

Nếu phân loại theo kiểu Startup, lĩnh vực Startup thì sẽ có mức độ quan trọng, cần tiền khác nhau. Ví dụ sản xuất, nghiên cứu sẽ cần rất nhiều tiền, thương mại cần ít hơn.

Tôi có thấy trên mạng có chương trình “khởi nghiệp 0 đồng”, điều này là có thể. Tôi ví dụ 1 kế hoạch khởi nghiệp không cần tiền đơn giản như sau:

 

Bạn đến một cửa hàng thời trang chỗ quen biết và chụp một danh sách sản phẩm, gồm hình ảnh, giá cả, mô tả, giao hàng, thanh toán. Sau đó bạn lấy chính tên cửa hàng làm tên cửa hàng để kinh doanh. Bạn có thể lập website hoàn toàn miễn phí, fanpage cũng miễn phí hoặc nhờ chúng tôi (cổng hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam) xây dựng một kế hoạch kinh doanh hiệu quả) cũng miễn phí. Sau đó bạn chịu khó lên Facebook, các diễn đàn để bán hàng, nếu có đơn hàng thành công, bạn sẽ nhận được % từ chủ cửa hàng.

Còn chuyện điện nước, internet thì không tính, vì đằng nào thì hàng ngày bạn vẫn dùng mà.

 

Cách khởi nghiệp không cần tiền phù hợp với dạng trung gian hoặc dịch vụ, ví dụ bạn biết về thiết kế website thì có thể cung cấp dịch vụ thiết kế web.

 

Một số người nghĩ rằng cần tiền để thuê văn phòng đẹp, mua máy móc, trả lương nhân viên, chạy marketing, … thì trường hợp này phổ biến quá rồi, tôi không nói thêm nữa.

 

 

NPC: Ngoài lề 1 chút, theo nhà đầu tư, “con gà có trước hay quả trứng có trước?”

NĐT: Đây là một câu hỏi đã có quá nhiều câu trả lời, kinh điển như trong triết học nói rằng đó là 2 mặt biện chứng, kiểu như ngày và đêm, không có trước sau. Tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn, bằng một câu hỏi ngược lại” Đồng tiền có 2 mặt đúng không? Đúng. Vậy ai là người in ra tiền? Công ty in tiền.  Đến đây bạn có thể hiểu được câu trả lời về con gà và quả trứng rồi đó. “Công ty in tiền” thì bạn sẽ không biết được là ai đâu, vì quá phạm vi hiểu biết của tôi, của bạn và nhiều người.

 

NPV:  Các Startup liệu có thể “qua mặt” nhà đầu tư được không?

NĐT: Vấn đề nhà đầu tư ở đây là ai?  Bạn có thể thấy rất nhiều nhà đầu tư vào các công ty đa cấp, tiền ảo như Ifan thì mặc dù họ biết là lừa đảo nhưng vẫn lao vào, sau đó khi dự án sập, họ lại kêu là bị lừa, hơi khó hiểu. Có lẽ do “sự tham lam lấn át lý trí”.

Đối với chúng tôi, chúng tôi chỉ đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực hiểu nhất, có kinh nghiệm nhất, nên khả năng qua mặt là cực thấp, trừ khi Startup “cao tay” hơn chúng tôi.

 

 

 

NPV:  Nhà đầu tư nghĩ gì về các kênh đầu tư tiền ảo như Bitcoin?

NĐT: Chúng tôi không hiểu nhiều về tiền ảo nên không bình luận nhiều. Tuy nhiên kênh này phù hợp với mô hình đầu tư lướt sóng nhiều hơn, kiểu đánh nhanh rút gọn.

Mọi người thường nói quá mức về tính ưu việt của tiền ảo, của công nghệ blockchain nhưng tôi đã xem rất nhiều báo chí, từ thực tế thì chưa thấy ứng dụng là mấy, và còn hay bị hacker. Nói chung, không tên tôn thờ mà cần nhìn khách quan.

Có thể trong 10, 20 hay 100 năm nữa mọi thứ sẽ thay đổi.

 

 

NPV:  Nhà đầu tư có tin vào tâm linh không?

NĐT: Một câu hỏi mà nếu tôi trả lời sẽ có nhiều bạn phản biện, vì vậy tôi sẽ nói theo quan điểm cá nhân nhé.

Đầu tiên là tôi tin và chắc chắn có thế giới tâm linh, một thế giới đang tồn tại song song với cuộc sống này. Tôi có đọc một cuốn sách nào đó quên mất rồi, có nói rằng có 12 cấp độ của cuộc sống, con người chúng ta ở không gian 3 chiều này ở cấp độ 3, các bậc thánh, thần mà chúng ta tôn thờ ở cấp độ 4, 5 hay cao hơn. Đấng tối cao, đấng sáng tạo hay gọi là “Chúa” thì cấp độ 12, cao nhất của Vũ Trụ này.

Nếu bạn không tin vào tâm linh, vô thần thì hãy thử đi xem bói hoặc làm việc gì đó trái với tâm linh xem sao!

 

______________________________________________________________________________________________________________________

 

Lời kết

 

Có bao giờ bạn ngước nhìn lên những vì sao trên trời và tự hỏi:

 

  • Tôi là ai?
  • Tôi sinh ra trên đời để làm gì?
  • Tại sao tôi không giàu sang?
  • Tại sao tôi không thông minh?
  • Tại sao tôi lại xinh đẹp?
  • Tại sao ước mơ của tôi không thể thành hiện thực?

Tất cả những câu hỏi tại sao của bạn, của mọi người trên cuộc đời này cũng nhiều như những vì sao trên trời vậy. Và rồi sao nữa? ngày qua ngày, tháng đến năm cũng chẳng có ai quan tâm, trả lời cho bạn đâu.

Tôi không phải là nhà văn, có thể viết tiểu thuyết về cuộc đời bạn để giúp nó trở nên tươi đẹp hơn, cũng không thể cho bạn tiền, cho bạn sức khỏe, sắc đẹp, cho bạn tình yêu, cho bạn cả hạnh phúc hay tuổi thanh xuân mãi mãi. Nhưng tôi có thể cho bạn một thứ quý giá nhiều hơn thế, đó chính là giúp bạn biết được câu trả lời nằm ở đâu.

Bạn biết nó ở đâu không? Nó nằm ở trong chính trái tim bạn!

 

Hãy để trái tim của bạn tràn ngập tình yêu thương, chứa đựng những điều tốt đẹp, nghĩ về một cuộc sống thật sự có ý nghĩa, tránh xa các rác rưởi, bon chen, tham lam,  ảo vọng phù hoa, các ham muốn vật chất tầm thường.

Để tĩnh tâm, ban đêm trước khi đi ngủ nhìn lên các vì sao một lần nữa, bạn sẽ có được câu trả lời của chính bạn!

 

_____________________________________________________________________________________________________________________________

 

Bạn có thể tải về đọc: https://www.scribd.com/document/385935678/%C4%90%E1%BB%91i-Tho%E1%BA%A1i-Cung-Sharktank